Tin tức & sự kiện

Selfwing Vietnam xúc tiến dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin

Thứ tư,19/07/2017
5630 Lượt xem

Đà Nẵng đã-đang và sẽ dành ưu đãi đặc biệt cho các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin

   (ictdanang)- Đó là khẳng định từ Lãnh đạo TP đến lãnh đạo các ngành (Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng; Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) tại Hội thảo “Hợp tác đầu tư Công nghệ thông tin và Truyền thông Nhật Bản – Đà Nẵng” (diễn ra sáng nay 8/9/2016) trong trong khuôn khổ tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của TP Đà Nẵng (DA NANG ICT DAY) năm 2016 (diễn ra trong 2 ngày 8 và 9 tháng 9 năm 2016).

  Tại Hội thảo, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng (đại diện là ông Lê Cảnh Dương-Giám đốc, trong ảnh là người đứng giữa) - Hiệp hội Kinh doanh mới Saitama NBC và Công ty TNHH Ươm mầm nhân lực Selfwing Việt Nam đã nhất trí cùng ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về "Phối hợp trao đổi thông tin, hỗ trợ, đẩy mạnh xúc tiến các doanh nghiệp tại tỉnh Saitama, Nhật Bản đầu tư vào ngành ICT tại Đà Nẵng".

"TP Đà Nẵng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của mình như: xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho Khu công nghệ cao, Khu công viên phần mềm và Khu Công nghệ thông tin tập trung với các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn ; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tập trung đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao, thông thạo ngoại ngữ…đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Chính quyền TP cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản thiết lập và triển khai dự án ICT đạt hiệu quả tại Đà Nẵng.

TS. Hồ Kỳ Minh-Phó Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo. -Ảnh: T.N

Ngay tại Hội thảo hôm nay, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và phúc đáp các câu hỏi của quý đại biểu về môi trường đầu tư và thủ tục đầu tư tại TP. Đồng thời, lãnh đạo TP mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Đà Nẵng kết nối được nhu cầu và tìm kiếm được những cơ hội hợp tác đầu tư với nhau thông qua các hoạt động của sự kiện “Da Nang ICT Day 2016” – TS.Hồ Kỳ Minh-Phó CT.UBNDTP nhấn mạnh.

Chia sẻ với các nhà đầu tư Nhật Bản, TS Hồ Kỳ Minh khẳng định: Trong bối cảnh tình hình kinh tế của quốc tế cũng như Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, Đà Nẵng vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế ổn định và liên tục. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng đạt 9,8%, cao hơn so với mức tăng trưởng kinh tế trung bình của cả nước là 6,68%, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng 10,95%, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 9,3%.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, ông Trần Ngọc Thạch đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về hiện trạng ngành ICT Đà Nẵng, tiềm năng và những yếu tố vì sao nên chọn Đà Nẵng để đầu tư phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được trong những năm qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Đà Nẵng. Lũy kế đến tháng 8 năm 2016, Đà Nẵng đã thu hút được 423 dự án FDI với tổng vốn đăng kí đạt gần 3,68 tỷ USD.

Riêng về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, Đà Nẵng hiện có 55 dự án FDI với tổng vốn đăng kí 12,5 triệu USD, chiếm tỷ lệ chỉ khoảng 0,34% trong tổng vốn đầu tư đăng kí tại thành phố.

Năm 2015, doanh thu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 776 triệu USD, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 522 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 112 triệu USD, tăng 1,42 lần so với năm 2014. Đến thời điểm hiện tại, tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI lên đến hơn 48.000 người.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng trân trọng ghi nhận đóng góp của các nhà đầu tư Nhật tại TP “liên tục được bình chọn dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) và Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin (ICT Index)”:

Nhật Bản là quốc gia có dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Đông Nam Á với các dự án đầu tư tập trung vào công nghiệp cơ khí chính xác, công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin.

Đây là những lĩnh vực phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển của thành phố Đà Nẵng. Hơn nữa, Nhật Bản có những giá trị văn hóa tương đồng với Việt Nam.

Chính vì vậy, Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng luôn xác định Nhật Bản là một trong những đối tác trọng điểm cần tập trung thu hút đầu tư. Tính đến nay, Nhật Bản là quốc gia có số dự án đầu tư lớn nhất tại Đà Nẵng với 112 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 397 triệu USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư trên toàn thành phố. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của thành phố, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 30 ngàn lao động địa phương và các tỉnh lân cận.

Tại hội thảo, các nhà đầu tư Nhật Bản đã quan tâm tìm hiểu các chính sách, quy định và ưu đãi liên quan đến việc lập Chi nhánh, Công ty sản xuất phần mềm đóng gói và phát hành trò chơi trực tuyến ; điều kiện kỹ thuật hạ tầng để phát triển các dịch vụ lưu trữ và chia sẻ liên quan đến điện toán đám mây ; khả năng đáp ứng nguồn nhân lực tại chỗ.

"Tình hình đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng và các ưu đãi đầu tư, hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin tại Đà Nẵng" - một trong những báo cáo chuyên đề được quan tâm tại hội thảo.

Hầu hết các câu hỏi đều được Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Trần Ngọc Thạch; Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng Lê Cảnh Dương trả lời cụ thể, cặn kẽ. Các doanh nhân đặt câu hỏi đều rất hài lòng. Một vài câu hỏi hay đề nghị chưa thể hiện rõ về nội dung, yêu cầu; chủ tọa phần hỏi-đáp đã gợi ý người đặt câu hỏi hay nêu vấn đề nên có văn bản thể hiện chi tiết hơn để trả lời trọn vẹn hơn.

Hội thảo “Hợp tác đầu tư Công nghệ thông tin và Truyền thông Nhật Bản – Đà Nẵng” được ghi nhận rất thành công khi các nhà đầu tư IT và giới doanh nhân Nhật Bản cũng như các cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản đã thẳng thắn chia sẻ những bất cập và yếu tố không tạo nên lợi thế mà Đà Nẵng cần phải tránh, cũng như nâng cao mức độ sẵn sàng nhiều hơn để đón nhận làn sóng đầu tư vào ngành công nghiệp công nghệ thông tin.

Một chuyên gia nghiên cứu về ICT Nhật Bản chia sẻ những nội dung quan tâm đến các chủ tọa phần hỏi-đáp tại Hội thảo.

“Các bạn cần tính đến sự hài hòa về nhiều mặt, hạ tầng giao thông phải bảo đảm cao hơn, rút ngắn lộ trình di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc ; nguồn nhân lực phải đáp ứng các kỹ năng để thích nghi với một môi trường làm việc có tính đặc thù về nghề nghiệp (sáng tạo, kỷ luật) lẫn bắt nhịp lẫn nhau về tập tục, văn hóa, cách thức quản lý, điều hành (theo phong cách Nhật Bản). Giá nhân công theo chúng tôi nên tính toán lại để hấp dẫn hơn, nếu không cơ hội từ các đơn hàng – theo cơ chế thị trường – buột phải có sự dịch chuyển sang nơi khác trong tương lai gần” – đại diện Tổ chức Xúc tiên Thương mại Nhật Bản (Jetro) và đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật tại Đà Nẵng, chân thành chia sẻ.

 Nhà báo Trần Ngọc